Cùng Ngô Nguyên Tế kháng mệnh Lý Sư Đạo

Năm 812, Tiết độ sứ Ngụy Bác[10] Điền Quý An qua đời. Nha quân lật đổ con trai Quý An là Hoài Gián, đưa Điền Hoằng Chánh (tức Điền Hưng) lên nắm quyền, được nhà Đường công nhận. Lý Sư Đạo và Vương Thừa Tông biết Điền Hoằng Chánh trung thành với trung ương, nên đe dọa thảo phạt Ngụy Bác. Tuy nhiên tiết độ sứ Tuyên Vũ[11], cũng sẵn sàng giúp đỡ quân Ngụy, do đó Sư Đạo không dám làm gì[12].

Năm 814, Tiết độ sứ Chương Nghĩa Ngô Thiếu Dương qua đời. Vua Hiến Tông không đồng ý cho con Thiếu Dương là Ngô Nguyên Tế lên nối chức. Để tạo sức ép lên triều đình, Ngô Nguyên Tế cử quân cướp phá các vùng đất xung quanh. Hiến Tông nổi cơn thịnh nộ, lập tức ra lệnh cho các trấn cùng nhau thảo phạt Thái châu. Lý Sư Đạo cùng Vương Thừa Tông ra sức kêu xin cho Ngô Nguyên Tế nhưng nhà vua không màng tới những thỉnh cầu này. Tuy trong các trấn được lệnh ra quân đánh Thái lại không có Bình Lư, nhưng Lý Sư Đạo vẫn gửi 2000 quân đóng ở Thọ Xuân[13], giả tiếng hỗ trợ triều đình nhưng thực ra là giúp Ngô Nguyên Tế[12].

Lý Sư Đạo bí mật nuôi mấy chục tên dũng sĩ để hộ vệ mình. Bọn chúng gợi ý cho ông hãy cử chúng đến Lạc Dương quấy phá một phen để cướp bóc lương thực, đồng thời cũng để quân triều đình phải lo lắng cho Lạc Dương và không có tâm trí để tập trung vào chiến trường Chương Nghĩa. Lý Sư Đạo chấp thuận và từ mùa hạ năm 815, nhóm giặc cướp thường được cử tới vùng phụ cận Lạc Dương cướp bóc. Tại Trường An, nhiều đại thần khuyên dừng chiến dịch đánh Sở mà tập trung bảo vệ Đông Đô, nhưng vua Hiến Tông không theo[12].

Bọn sát thủ lại nảy ra kế khác là hãy ám sát tể tướng Đỗ Nguyên Hoành, người chủ trương đánh Thái và hiện đang phụ trách việc hậu cần cho chiến dịch. Sư Đạo bèn cử sát thủ đến Trường An. Kết quả Đỗ Nguyên Hoành bị giết trên đường tới triều, tể tướng khác là Bùi Độ cũng suýt mất mạng. Ban đầu triều đình nhà Đường cho rằng sát thủ là do Vương Thừa Tông phái tới, nên quyết định thảo phạt Thành Đức. Sứ giả Hằng châu bị bắt giữ và tra tấn rất dã man nên khai bừa là chủ mình âm mưu giết Đỗ Nguyên Hoành. Do đó, Hiến Tông tước hết quan tước của Vương Thừa Tông, chuẩn bị thảo phạt Thành Đức. Bọn sát thủ của Lý Sư Đạo nhanh chân trốn thoát và không ai nghi ngờ ông cả. Một số đại thần lấy việc này để xin dừng đánh Sở và cách chức Bùi Độ, Hiến Tông không theo và vẫn cho Bùi Độ làm tể tướng[12].

Trong khi đó Lý Sư Đạo lại chuẩn bị kế hoạch tấn công vào Đông Đô Lạc Dương. Ông cử một đội quân đến bí mật đóng ở gần Lạc Dương, nói là hộ tống sứ giả của mình đến kinh. Chỉ huy đội quân này là sư Viên Tĩnh, năm đó hơn 80, từng phục vụ dưới thời Sử Tư Minh của Ngụy Yên[6]. Kế hoạch của người Tề là cướp bóc vàng bạc châu báu trong cung điện Lạc Dương và giết một lượng lớn dân thường. Tuy nhiên bọn tiểu tướng Dương TiếnLý Tái Hưng đem việc này báo cho lưu thủ Lạc Dương Lã Nguyên Ưng. Nguyên Ưng liền cử quân bao vây các nơi đóng quân Bình Lư gần Đông Đô nhưng chưa tiến công. Quân Bình Lư tiến vào Lạc Dương phải băng qua một ngọn đồi ở phía nam; tại đây do thiếu lương thực, chúng bèn cướp thú săn được của một người tiều phu; do đó bọn tiều phu rất giận liền báo cho quân triều đình chỗ của quân Bình Lư. Lã Nguyên Ưng cho quân đuổi tới, hầu hết quân Bình Lư bị giết. Nguyên Ưng thẩm vấn hai tướng giặc là Ti Gia Trân và Môn Sát, do đó biết được tất cả âm mưu của Lý Sư Đạo, kể cả nguyên do thực sự về cái chết của Đỗ Nguyên Hoành. Nguyên Ưng gửi thư về triều đình, đại ý trong thư nói Lý Sư Đạo còn nham hiểm hơn cả Ngô Nguyên Tế hay Vương Thừa Tông, nếu không sớm liệu thì sẽ trễ mất. Tuy nhiên Vua Hiến Tông lúc này đã dồn hết lực lượng vào chiến trường Sở, Triệu nên không còn binh lực trong tay để đánh Tề[12].

Cuối năm 815, Lý Sư Đạo cử 9000 quân tấn công Từ châu[14], trị sở của trấn Vũ Ninh để đánh lạc hướng tấn công của quân trung ương. Tuy nhiên tướng Đường là Vương Trí Hưng đã đánh tan cuộc tấn công của quân Tề, giết được 2000 người, bắt 4000 con ngựa. Đến mùa thu năm 816, hai tướng Lý Quang NhanÔ Trọng Dận chiếm được Lăng Vân Sách của Chương Nghĩa[15], sắp sửa đánh vào Thái châu. Lý Sư Đạo thấy tình cảnh đó rất lo sợ nên viết thư lên triều đình với lời lẽ thành khẩn. Do triều đình không còn binh lực trong tay nên đành phải phong cho ông làm Tư không[12].

Lý Sư Đạo hôn dung và ngu ngốc, nên chính sự bị bọn tì tướng chiếm hết. Ông gần gũi với bọn Lý Văn HộiLý Anh. Nhiều vị quan trong trấn như Cao Mộc, Quách 昈, Lý Công Độ... khuyên ông không nên chống lại vương sư, liền bị bọn Văn Hội gièm pha, kết quả là Sư Đạo giết Cao và giam cầm Quách[16]. Trong khi đó tình hình Chương Nghĩa rất nguy kịch, Lý Sư Đạo sai sứ giả Lưu Yến Bình đến Thái châu gặp Ngô Nguyên Tế bàn kế sách. Yến Bình phải lẩn tránh lực lượng triều đình rất vất vả mới đến được đất Sở. Khi vào yết kiến Ngô Nguyên Tế, Bình được tặng rất nhiều quà quý. Khi trở về Bình Lư, Yến Bình báo với Lý Sư Đạo rằng Ngô Nguyên Tế hôn ám, dù đang bị tấn công nhưng lại suốt ngày đá cầu và chè chén với bọn thê thiếp nữ tì, không hề quan tâm đến chánh sự; còn dự báo rằng họ Ngô không bao lâu nữa sẽ diệt vong. Những lời nói này không vừa ý của Sư Đạo nên Sư Đạo tìm cách vu oan Yến Bình rồi giết chết ông ta[16]. Sử gia Hồ Tam Tỉnh đời nhà Nguyên có đánh giá về việc này như sau

Một người có khả năng quan sát tỉ mỉ như Lưu Yến Bình hiển nhiên là có trí tuệ và kiến thức uyên thâm. Lý Sư Đạo đáng lẽ phải biết trọng dụng và đặt niềm tin vào ông thì mới có thể tự cứu được mình, đằng này lại vì chướng tai mà giết đi; thì tất nhiên ngày diệt vong của họ Lý cũng không còn xa nữa.[17]